Viêm mũi xoang

VIÊM MŨI XOANG

-  Xoang là những hốc xương rỗng nằm xung quanh hốc mũi. Toàn bộ các hốc xương này được lót bởi một lớp niêm  mạc giống như niêm mạc hốc mũi (niêm mạc đường hô hấp).

-  Ở người trưởng thành có năm đôi xoang, chia làm hai nhóm:

+ Nhóm xoang trước: sàng trước, hàm, trán, đổ vào khe giữa.

+ Nhóm xoang sau: sàng sau, bướm, đổ vào khe trên.


I. Dịch tễ học.

+ Tỷ lệ mắc bệnh: rất phổ biến ở Việt Nam: chiếm 2-5% dân số.

+ Tuổi: gặp ở cả trẻ em và người lớn , bị viêm sớm nhất là xoang sàng .

+ Giới: không có sự khác biệt giữa nam và nữ.

+ Các yếu tố nguy cơ:

- Thời tiết: mùa lạnh hay gặp.

- Bụi.

- Hoá chất độc hại.

- Khói.

-   Nghề nghiệp.

   +Điều kiện ăn ở và làm việc.

+ Thường phối hợp với viêm mũi. (ít gặp viêm xoang đơn độc) nên còn gọi là viêm mũi xoang.

+ Gây biến chứng tới bộ phận lân cận.

 II. Nguyên nhân.

Có rất nhiều nguyên nhân gây viêm xoang và được xếp thành các nhóm chính như sau:

1. Do viêm nhiễm :   Hay gặp nhất

-         Nhiễm vi khuẩn :

       + Thường thứ phát sau các viêm mũi họng, amidan, hoặc sau nhiễm trùng đường hô hấp trên .

       +Viêm xoang do răng: các bệnh nhiễm trùng về răng lợi từ 3- 6 hàm trên.

     -  Do siêu vi trùng

2. Do dị ứng.

+ Cũng là nguyên nhân gặp nhiều hiện nay sau nguyên nhân nhiễm khuẩn. Thường do niêm mạc mũi xoang quá mẫn cảm với các yếu tố kích thích.

+ Hiện nay người ta thấy rằng viêm xoang dị ứng hay kèm theo bội nhiễm, có nghĩa là vi khuẩn cũng có thể là một kháng nguyên hoặc sau dị ứng là một quá trình bội nhiễm.

          + Dị ứng có thể là nguyên phát hoặc thứ phát

3. Do chấn thương.

Các loại chấn thương cơ học, chấn thương áp lực, chấn thương do nhét mèche đều có thể gây viêm xoang.

 4. Hội chứng trào ngược dạ dày - thực quản.

5. Các nguyên nhân cơ học :

    -  Dị hình hốc mũi , khe giữa , vách ngăn , xoang

-  Do khối u

6. Do nấm.

7. Yếu tố cơ địa.

Các yếu tố cơ địa: suy nhược toàn thân, rối loạn chuyển hoá nước và điện giải, rối loạn vận mạch, cơ địa dị ứng, các bệnh mạn tính như lao, tiểu đường...

III. Triệu chứng.

1. Viêm xoang cấp tính.

Viêm xoang cấp tính là viêm niêm mạc xoang lần đầu mà trước đó niêm mạc hoàn toàn bình thường.

a. Triệu chứng toàn thân.

 Thường có biểu hiện một thể trạng nhiễm trùng: sốt nhẹ hoặc gai sốt, mệt mỏi, kém ăn, bạch cầu tăng trong máu...

b. Cơ năng.

+Đau:

- Là triệu chứng chính. Đau dữ dội từng cơn vùng trán, má, thái dương. Ngoài cơn chỉ thấy nặng đầu.

- Đau có thể lan đến răng, nửa đầu.

- Đau có giờ nhất định: 8-11 giờ sáng.

+ Chảy mũi: một hoặc hai bên (thường là hai bên). Lúc đầu loãng, sau chảy mủ đặc, xanh hoặc vàng làm hoen ố khăn tay, mùi tanh. Chảy xuống họng nếu là viêm xoang sau.

+ Ngạt tắc mũi hai bên, nhất là về đêm.

c. Thực thể.

+ Có điểm đau rõ rệt:

- Điểm hố nanh: viêm xoang hàm.

- Điểm Grunwald: bờ trong và trên ổ mắt, viêm xoang sàng.

- Điểm EWing ( xoang trán ): đầu trong và trên cung lông mày.

+ Có thể sưng nề.

+ Soi mũi trước:

- Niêm mạc hốc mũi đỏ rực.

- Các cuốn dưới và giữa sưng to.

- Khu giữa: có tiết nhầy hoặc mủ.

+ Soi mũi sau: khu trên và cửa mũi sau có tiết nhầy và mủ nếu là viêm xoang sau.

 2. Viêm xoang mạn tính.

Viêm xoang mạn tính là do viêm xoang cấp tính tái diễn nhiều lần không được điều trị hoặc điều trị không đúng cách.

a. Triệu chứng toàn thân.

Không có gì rõ rệt ngoài triệu chứng mệt mỏi, có thể suy nhược nếu viêm xoang kéo dài.

             b. Cơ năng.

+ Chảy mũi:

- Là triệu chứng thường xuyên có mặt, có thể chảy hai bên hoặc một bên ( do răng ).

- Lúc đầu chảy mũi nhầy, sau đặc xanh hoặc vàng, mùi tanh hoặc hôi thối do bội nhiễm.

- Thường chảy ra cửa mũi trước. Có thể chảy ra cửa mũi sau rồi xuống họng (nếu là viêm xoang sàng sau).

+ Ngạt tắc mũi:

- Do phù nề niêm mạc, do tiết nhầy, mủ hoặc thoái hoá cuốn, do polype...

- Lúc đầu ngạt ít, sau tăng dần, ngạt một hoặc hai bên. Có khi tắc hoàn toàn.

+ Rối loạn về ngửi: ngửi kém tăng dần, có thể mất ngửi hoàn toàn.

c. Thực thể.

+ Các điểm đau: thường không rõ rệt hoặc không có.

+ Soi mũi trước:

- Niêm mạc nhạt màu, phù nề, nhất là khe giữa, có thể tạo thành gờ Kauffmann, Polype.

- Cuốn giữa và dưới quá phát hoặc thoái hoá giống Polype.

- Khe giữa: tiết nhầy hoặc mủ chảy xuống sàn mũi.

- Có thể có Polype mũi.

+ Soi mũi sau ( viêm xoang sau ):

- Khe trên và cửa mũi sau có mủ.

- Đuôi cuốn giữa và dưới quá phát, nhạt màu, có thể thấy Polype cửa mũi sau.

 IV. Các thể lâm sàng.

Có rất nhiều thể lâm sàng khác nhau, tuỳ theo cách sắp xếp.

1. Theo vị trí.

+ Viêm xoang trước: chảy mũi ra trước, nhức đầu vùng trước mặt, trán, thái dương. Khám mũi trước: khe giữa có mũi nhầy hoặc mủ.

+ Viêm xoang sau: nhức đầu vùng gáy, mủ chảy xuống họng. Soi mũi sau thấy nhầy hoặc mủ.

 2. Theo tiến triển.

+ Viêm xoang cấp.

+ Viêm xoang mạn tính.

 3. Theo tổn thương.

+ Viêm xoang thể túi mủ: có nhiều túi mủ trong xoang, rất đau, do mủ không dẫn lưu ra được.

+ Viêm xoang thể sưng: sưng nề vùng trước xoang, ấn rất đau, hay gặp trong viêm xoang trán.

+ Viêm xoang thể bã đậu: đau, không chảy mủ, trong xoang chứa nhiều tổ chức bã đậu.

+ Viêm xoang thể giả lao: mệt mỏi, gầy sốt, sốt về chiều. Mủ trong xoang giống tổ chức bã đậu.

 4. Theo lứa tuổi.

Viêm xoang ở trẻ sơ sinh và trẻ em: hay gây viêm xương xuất ngoại gây nên các biến chứng nguy hiểm như biến chứng nội so.

 5. Viêm xoang do răng.

Thường bị một bên, mủ rất thối, có tiền sử đau răng.

 V. Chẩn đoán.

Chẩn đoán viêm xoang dựa vào:

    1. Triệu chứng lâm sàng.

            Là chủ yếu.

 2. XQ.

+ Blondeau: chẩn đoán viêm xoang trước.

+ Hirtz: chẩn đoán viêm xoang sau.

+ Chụp CT - Scan, MRI.

 3. Phương pháp soi bóng mờ cổ điển.

Hiện nay ít được dùng.

 4. Chọc dò xoang.

Vừa để chẩn đoán, vừa để điều trị. Chỉ áp dụng với viêm xoang mạn tính.

 5. Nội soi xoang.

Là biện pháp chẩn đoán rất có giá trị hiện nay.

 VI. Biến chứng viêm xoang.

Viêm xoang có rất nhiều biến chứng. Trong đó có những biến chứng bất ngờ mà người ta ít nghĩ tới viêm xoang.

1. Biến chứng họng.

Viêm mũi họng mạn tính là rất hay gặp.

 2. Biến chứng hô hấp.

+ Viêm tai giữa mạn tính ( hay gặp nhất ).

+ Dãn phế quản: hội chứng munier-kuhn.

+ Viêm thanh quản.

 3. Biến chứng mắt.

+ Viêm mi mắt, túi lệ, kết mạc.

+ Viêm tấy ổ mắt.

+ Abses ổ mắt.

+ Viêm thần kinh hậu nhãn cầu.

 4. Biến chứng tai.

Viêm tai giữa cấp.

5. Biến chứng thần kinh.

Đau dây thần kinh số V dẫn đến nhức đầu.

 6. Biến chứng nội sọ.

Viêm màng não, abses não, viêm tắc tĩnh mạch xoang hang thường do biến chứng viêm xoang cấp và hay gặp ở trẻ em.

 7. Biến chứng viêm xương.

+ Cốt tuỷ viêm xương hàm trên, xương thái dương.

+ Ngoài ra có thể có những biến chứng hiếm gặp: viêm thận, viêm khớp...

 VII. Điều trị viêm xoang.

1. Nguyên tắc chung.

Đảm bảo dẫn lưu và thông khí xoang.

2. Điều trị viêm xoang cấp tính.

Chủ yếu là nội khoa.

a. Tại chỗ.

+ Rất quan trọng.

+ Làm thông thoáng mũi: xì mũi, hút sạch mủ, nhỏ hoặc đặt thuốc co mạch...

+ Nhỏ thuốc: nên phối hợp thuốc co mạch với kháng sinh và chống phù nề.

+ Xông hơi nước nóng: các loại thuốc có tính dầu.

+ Khí dung.

b. Toàn thân.

+ Thuốc kháng sinh chống nhiễm trùng.

+ Chống viêm và phù nề.

+ Giảm đau.

+ Hạ sốt.

+ An thần và nâng cao thể trạng.

 3. Viêm xoang mạn tính.

Kết hợp điều trị nội và ngoại khoa.

a. Điều trị nội khoa ( giống điều trị viêm xoang cấp ).

+ Tại chỗ.

+ Toàn thân.

+ Điều trị cơ địa: thuốc có iôt, Canxi, Photpho, Vitamin A,D, cơ địa dị ứng.

 b. Điều trị ngoại khoa.

+ Chọc rửa xoang.

+ Làm đổi thế Proetz.

+ Phẫu thuật: chỉ định khi đã có bít tắc đường dẫn lưu tự nhiên.

 VIII. Phòng bệnh.

+ Điều trị tốt các ổ viêm nhiễm ở mũi họng, răng miệng.

+ Điều trị tốt các bệnh viêm đường hô hấp.

+ Nâng cao thể trạng để tăng cường sức chống đỡ của niêm mạc.

 TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.     Tai mũi họng thực hành – Võ Tấn

2.     Giản yếu bệnh học Tai mũi họng  - Ngô Ngọc Liễn

3.     Bài giảng Mắt – Tai mũi họng  -  Nhà xuất bản y học

4.      EMC

5.     Ot – Rhins Laryngologie – M. portmann – D. portmann

6.     LesinfeconSen   ORL