Ngồi nhiều dễ mắc... trĩ

Nhiều nhân viên văn phòng bỗng bàng hoàng với kết luận bị trĩ, và một trong những nguyên nhân là do... ngồi quá nhiều trong thời gian liên tục, kéo dài.

Điều đáng nói là bệnh nhân trẻ tuổi mắc trĩ hiện nay khá nhiều, trong đó nhân viên văn phòng chiếm tỉ lệ lớn. Nhiều trường hợp phải tiêm, số khác phải phẫu thuật cắt búi trĩ.

Những thói quen dễ mắc bệnh

Anh Hoàng Đình H, công nhân một nhà máy ở Gia Lâm bàng hoàng khi đi khám, bác sĩ phát hiện búi trĩ lòi ra ngoài. Rất may bác sĩ đã chọn phương pháp tiêm để giúp bệnh nhân không phải phẫu thuật, nhưng cũng tốn đến vài triệu đồng.

Anh H cho biết, đặc điểm công việc của anh cần tỉ mẩn, phải ngồi nhiều. Ngoài ra, anh H cũng không thích ăn rau quả, chỉ thích ăn cơm thịt, cộng với hay nhịn đại tiện nên dẫn đến đi ngoài ra máu nhiều lần.
 
GS. Nguyễn Mạnh Nhâm - Chủ tịch Hội Hậu môn - Trực tràng cho hay, số bệnh nhân như anh H khá phổ biến hiện nay, đa số các trường hợp đến chữa bệnh đều trong tình trạng khá muộn, khi biện pháp can thiệp đã ở mức tiêm hoặc phẫu thuật.

Một trong những nguyên nhân gây bệnh là do họ ngồi quá lâu và kéo dài. Theo thống kê năm 2010, riêng tại BV TA, trong 3.000 ca mổ hậu môn thì có đến 80% là mổ trĩ. Trung bình 50% dân số bị trĩ.

Vẫn theo GS. Nguyễn Mạnh Nhâm, hiện có nhiều biện pháp điều trị bệnh trĩ như: Biện pháp nội khoa là dùng thuốc, chế độ dinh dưỡng, vệ sinh; can thiệp thủ thuật như tiêm sơ, thắt vòng cao su, tia hồng ngoại; phẫu thuật, gồm Longo cải tiến, triệt mạch treo trĩ (THD), điện cao tần (HCPT-máy ZZ) và các phương pháp cổ điển khác.

Trong đó, phẫu thuật là triệt để nhất, đặc biệt là mổ sớm kỹ thuật chính xác, chú ý vệ sinh dinh dưỡng sau mổ tốt. Với các kỹ thuật hiện đại, bệnh nhân trĩ ngày càng ít đau sau mổ, chóng quay về làm việc, mất máu không đáng kể, ít biến chứng, di chứng.

Điều trị trĩ giúp phòng ung thư
 

Bệnh trĩ thường không gây tử vong nhưng ảnh hưởng nhiều đến sức khoẻ, gây khó chịu, ảnh hưởng tâm lý, hiệu quả lao động và hạnh phúc.

Việc lựa chọn các biện pháp chữa trĩ dựa vào từng mức độ bệnh của người bệnh. Tuy nhiên, biện pháp tiêm chữa trĩ tốt đối với trĩ độ 1-2 và độ 3 nhỏ mọc thành búi. Ưu điểm của phương pháp này là đơn giản, bệnh nhân có thể về nhà ngay. Nhưng mặt trái của nó là bệnh hay bị tái phát.

Theo lý giải của GS. Nguyễn Mạnh Nhâm, nhân viên văn phòng bị trĩ khá nhiều, có lẽ nguyên nhân chính là do ngồi nhiều. Do vậy, những người làm việc phải ngồi nhiều cần kiên quyết thu xếp đứng lên 5-10 phút sau khoảng 1 tiếng ngồi, xoa hậu môn với những trường hợp có nguy cơ.

Với bệnh nhân sau điều trị, nên chú ý về dinh dưỡng, ăn nhiều rau củ quả, uống nhiều nước, tránh đồ nóng như thịt chó, tiêu, ớt, tránh thức ăn ôi thiu, kém vệ sinh; cần tập thể dục, tránh táo bón, ỉa chảy, kiết lỵ. Bệnh nhân cũng tránh ngồi xổm, vác nặng. Khi đi ngoài xong nên rửa không nên chùi.

Để phát hiện sớm bệnh trĩ, cần đi khám ngay khi có đi ngoài ra máu, hoặc thấy có "cái gì đó" lòi ra ngoài hậu môn khi đi ngoài. Ngoài phát hiện trĩ để chữa sớm giúp chóng khỏi, ít tái phát, nhẹ nhàng hơn... còn giúp phát hiện, phòng ngừa sớm ung thư trực tràng, nhất là ở người từ 45-50 tuổi trở lên.


Mọi thông tin hiểu biết thêm về bệnh trĩ, bạn liên hệ tại:

PHÒNG KHÁM ĐA KHOA TOÀN KHÁNH
Lô 38 Tổ 63 - Phố  Trung Kính - Yên Hòa - Cầu Giấy - Hà Nội
Điện thoại: 04 37821158 / Hotline: 0922.303.222